UBND tỉnh Bình Dương chính thức ấn định ngày 31/5 sẽ khởi công đoạn đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn tỉnh.
Phối cảnh Vành đai 4 TP.HCM – Ảnh Sở GTVT TP.HCM.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, đoạn tuyến Vành đai 4 đi qua Bình Dương có chiều dài khoảng 47,95km, trải rộng trên địa bàn các thành phố công nghiệp trọng yếu như Bến Cát, Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Tổng nhu cầu sử dụng đất lên tới 419,6ha, trong đó tuyến chính chiếm 413,4ha, còn lại là tuyến kết nối.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 18.247 tỷ đồng, được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án Vành đai 4 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang từ 6 đến 8 làn xe, có đường song hành hai bên cùng hành lang kỹ thuật và cây xanh.
Hệ thống giao thông dọc tuyến sẽ có rào chắn 2 bên để đảm bảo an toàn, đồng thời bố trí các cầu vượt tại các nút giao quan trọng nhằm tránh xung đột giao thông và tăng hiệu quả vận hành.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giao cắt với cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng chiến lược, phục vụ cả lưu thông hàng hóa liên tỉnh và nhu cầu đi lại của người dân.
Toàn tuyến Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 207,2km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (18,2km); Đồng Nai (46,08km); TP.HCM (16,7km); Long An (78,3km); Bình Dương (47,95km). Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương được triển khai độc lập.
Tuyến đường bắt đầu từ TP.Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) và kết thúc tại cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), kết nối trực tiếp với trục Bắc – Nam và các cụm cảng trọng yếu của khu vực.
Khi đưa vào khai thác đồng bộ, tuyến Vành đai 4 sẽ là trục giao thông chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hỗ trợ phát triển logistics, giảm tải áp lực cho hệ thống giao thông nội đô TP.HCM và tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp vệ tinh.
Nguồn: Cafeland